Lễ tưởng nhớ Cố võ sư Trần Huy Phong và Cố võ sư Phùng Mạnh Chữ

 

Hàng năm theo truyền thống Môn phái Lế tưởng nhớ Cố võ sư Trần Huy Phong và Cố võ sư  Phùng Mạnh Chữ được tổ chức tại Tổ đường theo nghi thức  Môn phái, và sau đó là lễ dâng hương tại chùa Bửu Thành theo nghi thức tôn giáo.

Sáng hôm qua, ngày 15 tháng 12 năm 2013 , tại Tổ Đường Vovinam – Việt Võ Đạo số 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, T.P Hồ Chí Minh.  Đông đảo các võ sư, Huấn luyện viên (trong đó khá nhiều các vị võ sư và cựu môn sinh đã từng được võ sư Trần Huy Phong trực tiếp truyền dạy. Đặc biệt là sự hiện diện của Võ sư Lê Công Danh) tề tựu để làm lễ tưởng nhớ Cố võ sư: Trần Huy Phong và Cố võ sư Phùng Mạnh Chữ. Đây là hai võ sư đã có công rất lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo.

 

Trong không khí trang nghiêm trước gian thờ tự của Tổ đường. Ban tổ chức buổi lễ gồm các võ sư trong Hội đồng Chưởng quản và các môn đồ Vovinam đã tiến hành dâng hương tưởng nhớ theo nghi thức Môn phái và thành kính ghi nhận công lao to lớn của Cố Võ sư trần Huy Phong và Cố võ sư Phùng Mạnh Chữ vào lúc 8 giờ 30 ngày 15 tháng 12 năm 2013. (13 tháng 11 năm Quý Tỵ)

Đây là lễ tưởng nhớ lần thứ 16 ngày mất của Cố võ sư Trần Huy Phong và lần thứ 46 ngày  mất của Cố võ sư Phùng Mạnh Chữ.

Sau nghi thức tưởng nhớ của Môn phái là phần nghi thức tôn giáo được tiến hành tại chùa Bửu Thành, số 245 đường Hoà Hảo, Phường 02, Quận 10 , T.P Hồ Chí Minh.

Sơ lược tiểu sử của Cố võ sư Trần Huy Phong và Cố Võ sư Phùng Mạnh Chữ.

Cố võ sư Trần Huy Phong  tự Trần Quốc Huy sinh ngày 14 -11 -1938, tại tỉnh Nam Định. Theo học Vovinam – Việt Võ Đạo (VVĐ) cùng võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc từ năm 1954, ông có năng khiếu, chuyên cần luyện tập và nhanh chóng trở thành một môn sinh giỏi.

Sau khi Sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng nhận trách niệm Chưởng môn thì võ sư Trần Huy Phong là phụ tá đắc lực cho võ sư Chưởng môn (từ năm 1964)

Đến năm 1968, ông đảm nhiệm thêm công tác thanh niên của Môn phái. Ông đã cùng với các võ sư Cao đẳng xây dưng nên một hệ thống kỹ thuật mới cho môn phái chú trọng nhiều hơn về tính đối kháng. Và đến năm 1973 ông được phân công phụ trách công tác huấn luyện của môn phái Việt Võ Đạo. Đồng thời Cố võ sư Trần huy Phong cũng là người điều hành Môn phái một thời gian khá dài khi võ sư Chưởng môn vắng mặt.

Nói chung, hơn 40 năm, võ sư Trần Huy Phong đã dành trọn cuộc đời mình chung tay góp sức đưa môn phái Việt Võ Đạo từ những ngày còn non trẻ  đến giai đoạn phát triển rộng rãi và mạnh mẽ như ngày nay. Nhiều học trò của ông vẫn đang tiếp tục quảng bá Việt Võ Đạo ở trong và ngoài nước.

Với tác phong làm việc nghiêm túc, nhưng cởi mở, gần gũi và thường giúp đỡ mọi người, võ sư Trần Huy Phong đã tạo sự cảm mến trong lòng nhiều thế hệ môn sinh Việt Võ Đạo. Qua những đóng góp cho môn phái. Ông đã được phong  Hồng đai đệ ngũ cấp (tương đương đai đen 9 đẳng) từ năm 1989 và là người có đẳng cấp cao nhất trong môn phái Việt Võ Đạo sau võ sư Chưởng môn Lê Sáng.
Bên cạnh võ học, võ sư Trần Huy Phong còn quan tâm đến công tác văn hóa – giáo dục – ông là sáng lập viên và đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc trung tâm giáo dục Tâm Thể, Đại học Dân Lập Hùng Vương ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông qua đời vào lúc 19 giờ 35 phút ngày 13 – 11 – 1997 tại TP. Hồ Chí Minh sau một thời gian lâm trọng bệnh. 

Võ sư Phùng Mạnh Chữ tự Mạnh Hoàng (1938 – 1967),

Năm 1965, võ sư Phùng Mạnh Chữ được phân công làm Trưởng Ban Ngoại Vụ của môn phái. Ông đã thành công trong việc đưa Vovinam-Việt Võ Đạo vào chương trình Học Đường Mới của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, khởi đầu là bốn trường Trung Học thí điểm tại Sài Gòn là trường Chu Văn An, trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường Trưng Vương và trường Gia Long, và liền sau đó là các trường công lập khác như Nguyễn Trãi, Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Mạc Đỉnh Chi… và cả luôn những học sinh của các trường tư thục tại Sài Gòn – Gia Định thời bấy giờ. Cũng trong những năm này, ông cũng xây dựng một chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn chỉnh với hệ thống bài bản rõ ràng từ Nhập Môn tới Chuẩn Hồng Đai. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp.

Cũng nhờ tài ngoại giao khéo léo, ngay từ năm 1965, võ sư Phùng Mạnh Chữ đã thu dụng về cho Vovinam-Việt Võ Đạo được hai cơ sở lớn, lập võ đường và làm nơi sinh hoạt đông đảo của Việt Võ Đạo Sinh cho tới tháng 4-1975, đó là võ đường ở vận động trường Hoa Lư (sau này được võ sư Trần Huy Phong đặt tên là Trung Tâm Sinh Hoạt và Giáo Dục Thanh Niên) tọa lạc tại số 2 Bis đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 và một võ đường nữa nằm cạnh sân vận động Lam Sơn đường Trần Bình Trọng, đằng sau trường trung học Pétrus Ký.

Xem lại tiểu sử của cố Võ sư Phùng Mạnh Chữ và Võ sư Trần Huy Phong thì chúng ta nhận ra hai người là bạn rất thân với nhau, cả hai cùng là giáo sư trung học, cùng mang một hoài bảo cao cả nhằm phục vụ lợi ích cho xã hội.

Ngoài khả năng ngoại giao tài ba, hai võ sư và cũng là hai nhà giáo trẻ, rất năng động; họ đã tận tụy hy sinh và dành trọn quảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để phục vụ môn phái và dân tộc.

Lúc sinh thời, võ sư Chưởng môn vẫn thường hay nhắc đến những đóng góp và hy sinh to lớn của Cố võ sư Trần Huy Phong và Cố võ sư Phùng Mạnh Chữ trong việc đưa Vovinam từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Ông kết luận rằng chỉ cá nhân ông thôi thì chẳng là gì cả,  dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là nhờ năng lực của những tài năng chung quanh, mà võ sư Trần Huy Phong và võ sư Phùng Mạnh Chữ là hai trong số đó của môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo.

Điều kỳ lạ là cả 2 người đều ra đi cùng tháng cùng ngày.

Họ xứng đáng được tôn vinh là những bậc công thần của Vovinam – Việt Võ Đạo, và xã hội ghi công người có công  lớn cho việc xiểng dương hình ảnh nước Việt, người Việt ra khắp Thế giới thông qua các hoạt động của Vovinam.

Sau đây là một số hình ảnh:

(nguồn: http://vovinamhdcq.vn)

{besps}Gio-VsTHPvaVsPMC{/besps}