2 Bài Nghiên Cứu: Kỹ Thuật Vovinam Việt Võ Đạo Dưới Ánh Sáng Khoa Học
Lời Giới Thiệu
Trong đường hướng tìm cách phát triễn môn phái thì nhu cầu đưa ra một lý thuyết chuẩn về kỹ thuật đòn thế đi kèm với những giải thích cặn kẻ của khoa học là điều vô cùng cần thiết. Thử tìm hiểu những đại phái đã và đang thành danh trên thế giới, đọc lại lịch sử của những môn phái này ta có thể rút ra một vài nhận xét sau đây: |
- Hầu hết môn phái này đều thành lập và kiện toàn trong thế kỷ thứ 20 chính nhờ họ đã ứng dụng được những thành tựu mới nhất về khoa học, kỹ thuật (cơ thể học, quản trị, sư phạm, vật lý…)
- Các Tổ Sư sáng lập các đại phái này không phải chính họ là người sáng tạo ra những đòn thế này vì những đòn thế này đã có rất lâu và ta có thể nhìn thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng chính họ là người đã xắp xếp và tổ chức một cách khoa học các kỹ thuật cũng như các phương pháp huấn luyện giúp cho kỹ thuật trở nên khoa học, đơn giản, dễ tập, và hiệu quả… Thí dụ như tại Nhật bản, Tổ Sư Kano của môn phái Nhu Đạo (Judo) đã mất rất nhiều năm để tập luyện với rất nhiều đại sư nổi tiếng khác, cuối cùng khám phá ra được kỹ thuật làm mất thăng bằng (ngày nay nếu ta nắm được một số định luật vật lý thì làm mất thăng bằng là điều vô cùng dễ dàng nhưng lúc bấy giờ là điều rất lạ vì hầu như các kỹ thuật lúc đó đều dựa trên kinh nghiệm thực tế tích lủy lâu đời). Đối với kỹ thuật đô vật thì làm mất thăng bằng là yếu tố quyết định. Từ đó Tổ sư Kano đã thiết lập nên môn phái Nhu Đạo.
Trong kỳ Đại Hội lần thứ nhất của Hội Đồng Võ Sư Tương Trợ Hải Ngoại tại Melbourne, để tìm cách phát triễn môn phái về kỹ thuật, tôi có nhờ môn sinh Trần Quốc Chánh tại Melbourne Úc Đại Lợi và môn sinh Lê Đức Hòa tại Hoa Kỳ nghiên cứu đề tài “Kỹ thuật Vovinam dưới cái nhìn vật Lý” vì võ thuật của bất cứ môn phái đều phải tuân theo những định luật vật lý tự nhiên. Cựu môn sinh Chánh là người rất có lòng với môn phái là tiến sĩ vật lý đang giảng dạy tại đại học Melbourne. Môn sinh Hòa là người rất có lòng với môn phái và có rất nhiều khả năng, đặc biệt về lãnh vực nghiên cứu. Tôi vô cùng biết ơn và mang ơn hai người bạn nói trên.
Tuy đề tài vật lý có thể chúng ta đã học và biết đại cương ở bậc tiểu học, hoặc chúng ta có thể tìm thấy vô số ở trên mạng Internet nhưng chính nhờ họ là những người đã từng tập Vovinam nên họ biết những định luật vật lý nào liên hệ đến kỹ thuật Vovinam. Nhờ vậy những phân tích trong bài viết liên hệ đến kỹ thuật của môn phái và tiện lợi cho những ai muốn nghiên cứu thêm và đưa vào ứng dụng.
Hai bài viết nghiên cứu của môn sinh Hòa và Chánh liên hệ và bổ túc cho nhau. Đối với tôi hai bài viết này là cả một kho tàng mà ta có thể khai thác không bao giờ hết. Mỗi tiết mục nhỏ ta có thể áp dụng cho rất nhiều kỹ thuật khác nhau và có thể viết thành một chuyên đề. Và chính nhờ áp dụng một phần rất nhỏ của sự hiểu biết này tôi đã ứng dụng thành công vào việc tập luyện các kỹ thuật chiến lược rất hiệu quả để phòng thủ và tấn công nhưng lại rất đơn giản, dễ tập.
Xin mời tất cả cùng tham khảo và nghiên cứu hai tài liệu này; và chúng ta sẽ trao đổi ý kiến qua những bài viết chuyên đề.
Tôi đã được đọc đâu đó câu danh ngôn: “Những tiến bộ lớn nhất của nhân loại chỉ có khoảng cách chừng một gang bàn tay thôi, đó chính là khoảng cách giữa hai lỗ tai chúng ta.”
Xin được hân hạnh giới thiệu hai bài viết nghiên cứu võ học:
- Vovinam và Vật lý học do môn sinh Lê Đức Hòa (PDF)
- Vài Nhận Xét Khoa Học Về Các Đòn Thế Võ Thuật do Môn sinh Trần Quốc Chánh (PDF)
Trân Trọng,
Vs Diệp Khôi