GocPhongVsCM

Căn phòng nhỏ trên lầu thượng Tổ đường

GocPhongVsCM

Căn phòng nhỏ trên lầu thượng Tổ đường

Năm 1968, ngôi nhà số 31 Sư Vạn Hạnh chỉ có tầng trệt và lầu 1. Năm 1992, ngôi nhà được cơi lên thêm 1 tầng nữa và sân thượng. Khoảng vài năm sau, trên lầu thượng mới xây phòng thờ Sáng tổ cùng 1 căn phòng nhỏ để Chưởng môn Lê Sáng làm việc và nghỉ ngơi cho yên tĩnh. Công trình này do công ty xây dựng của võ sư Kiều Công Lang đảm nhận.

 

Lên đến lầu thượng (lầu 3) sẽ gặp ngay phòng thờ Sáng tổ. Đi dọc theo hành lang, qua khỏi phòng thờ Sáng tổ sẽ đến phòng của Thầy. Phòng không rộng lắm, mái tole có đóng trần, diện tích 4,2mx3,5m và nhà vệ sinh 1mx2,4m. Lúc đầu, phòng trang bị quạt máy và đến năm 2001 mới gắn thêm máy điều hòa không khí.

Phòng khá thông thoáng với 1 cửa ra vào, 1 cửa sổ song song với đường Sư Vạn Hạnh và 1 cửa sổ song song với đường Nguyễn Chí Thanh). Bước vào phòng, bên phải là bàn thờ bố mẹ Thầy. Bên trái kê một chiếc ghế nằm bằng gỗ để Thầy nằm ngủ, nghỉ (mặt hướng ra cửa sổ đường Nguyễn Chí Thanh). Một số tài liệu, sách, báo thường dùng, bút mực, bình trà… đặt trên chiếc bàn hình chữ nhật bên tay trái (dọc theo cửa sổ đường Sư Vạn Hạnh), kế bên là một chiếc ghế nhỏ để khách ngồi tựa lưng vào tường; trước mặt là chiếc tivi, đầu máy và ngay dưới chân Thầy là chiếc ghế gác chân. Chung quanh tường treo khá nhiều hình ảnh và 1 kệ sách (chưa kể những tủ sách đặt ở phòng thờ Sáng tổ)… Thầy đọc rất nhiều loại sách khác nhau, từ triết học, tôn giáo, lịch sử, địa lý… cho đến những bộ tiểu thuyết kinh điển Á, Âu.

Thầy rất quý sách. Trong bài thơ Hồn sách, Thầy mở đầu bằng mấy câu:


Tinh hoa trời đất tụ vào đây,
Tuy mỏng mà mang ý nghĩa dầy,
Bút dẫu vô tri, hồn làm chủ,
Người dù xa vắng, chữ thay thầy…

Trong một lần trò chuyện ở Tổ đường, Thầy kể lại: “Từ Hà Nội vào Sài Gòn, thầy có mang theo một số sách quý. Sau này, thầy cất những sách đó cùng một số tài liệu của ông Sáng tổ trong một chiếc rương. Xuân Mậu Thân (1968), mẹ thầy sợ cháy nhà nên mang gửi vào một nhà người quen ở trong xóm. Chẳng may, ngôi nhà ấy bị cháy, còn nhà thầy thuê ở đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự) thì vẫn không hề hấn gì. Mất rương sách đó, thầy tiếc lắm!…”. Ngày 24-10-1993, Thầy đã ký tặng tôi bộ Chu dịch (2 quyển) của cụ Sào Nam Phan Bội Châu do Nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1969. Bộ sách này đang được tôi lưu giữ trong tủ sách nhà mình như một gia sản quý hiếm…

Nơi căn phòng nhỏ hẹp đó, trong khoảng 15 năm nay, Thầy đọc sách, suy tư, cập nhật nhiều tài liệu lý thuyết võ đạo, viết hồi ký, làm thơ… Sáng sớm hoặc những lúc cần thư giãn, Thầy ra băng ghế đá phía trước phòng thờ Sáng tổ ngồi nghỉ ngơi hoặc đọc báo. Ngoài gian tiếp khách, cũng tại băng ghế đá này, đôi khi Thầy cũng tiếp thân hữu và học trò đến thăm. Những chậu kiểng tốt tươi nhờ một tay Thầy chăm bón mỗi ngày. Thỉnh thoảng, Thầy cũng xuống dưới nhà để đi mua một vài vật dụng hoặc đi bộ quanh công viên Hòa Bình gần Tổ đường.

Thầy cũng rất yêu hoa và cây cảnh. Khoảng nửa tháng trước khi nhập viện lần cuối, Thầy bảo mua thêm cây cảnh và Nguyễn Tấn Trung đã mang đến hơn một chực chậu kiểng dừa, bông giấy, bông trang… Tấn Trung bùi ngùi kể lại: “Hôm đó, ông vui lắm! Cùng với tôi chăm bón các chậu kiểng vừa mang đến, ông còn nói: “Sắp xếp, trang trí cho đẹp đi con, ông có ra đi cũng vui lòng…”.

Tuy không gian yên tĩnh, nhưng sống lặng lẽ nơi căn phòng trên lầu thượng, chắc Thầy từng không ít lần đối mặt với sự cô đơn và hiu quạnh của một người đàn ông đơn thân trong lúc tuổi già, nhất là những khi đêm khuya thanh vắng… Nhiều lúc cứ bị cuốn hút bởi công việc mưu sinh nên tôi không thường xuyên ghé thăm Thầy, chuyện vãn cùng Thầy… Âu đó cũng là điều đáng tiếc!

Sau khi “thẩm phân phúc mạc” ở bệnh viện một thời gian, Thầy có bảo thầy Sen dọn dẹp lại căn phòng này để sau này làm nơi thờ cúng bố mẹ Thầy và Thầy. Thầy nói: “Chỉ cần thờ cúng hết đời Sen thôi cũng được rồi!”. Dọn dẹp, sắp xếp xong, thầy Sen có rủ thầy Khoa và tôi vào xem. Tuy nhiên, khi trở về, Thầy chuyển lại vào phòng này 1-2 cái tủ, một số hình ảnh và sắp xếp theo ý mình.

Thầy ra đi để lại những gì? “Của thế gian để lại/Phủi nhẹ bàn tay không” (Thanh thoát). Theo biên bản kiểm kê ngày 07-10: một ít tiền mặt, quà lưu niệm của tổ chức, cá nhân tặng Thầy, hình ảnh, 75 chậu kiểng… cùng vài kệ sách chứa hơn 500 quyển sách. Về vật dụng cá nhân cũng chẳng có gì quý giá: 2 chiếc ghế nằm (gỗ, mây), 1 vali quần áo cũ, 1 tivi, 1 đầu máy, 1 tủ lạnh, 1 bàn uống nước, 1 quạt máy, 1 máy điều hòa không khí… Nhưng những giá trị tinh thần Thầy lưu lại cho môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo thì thật lớn lao, khó mà cân đong, đo đếm. Đó là triển khai và làm phong phú, đa dạng hơn hệ thống triết lý võ đạo đậm tính nhân văn và hệ thống kỹ thuật Vovinam-Việt Võ Đạo của Sáng tổ Nguyễn Lộc truyền lại.

Tôi hy vọng, Hội đồng võ sư Chưởng quản sẽ bảo quản căn phòng này để làm “Phòng lưu niệm Chưởng môn”, hầu giúp các võ sư, HLV, môn sinh các nơi về viếng Tổ đường có thể tham quan nơi Thầy từng làm việc, nghỉ ngơi và hình dung một phần nào cuộc sống giản dị của Thầy lúc sinh tiền.

12-10-2010
Môn sinh Nguyễn Hồng Tâm

 



       

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *