![]() |
![]() |
Võ sư Trần Huy Phong | Võ sư Phùng Mạnh Hoàng |
Một trong những câu hỏi mà tôi thường đặt ra để hỏi những người thông hiểu lịch sử môn phái là “làm thế nào mà Vovinam từ một môn phái có xuất xứ khiêm tốn như vô số môn phái Việt Nam khác có mặt cùng thời điểm lịch sử đó vào những năm giữa thập niên 60, lại có khả năng bộc phát một cách nhanh chóng và vượt bực trong khi các môn phái khác đã không làm được?” Một trong những câu trả lời mà đối với tôi có thể giải thích được câu hỏi trên là nhờ Vovinam có một hệ thống võ thuật phong phú và tân tiến ngoài ra môn phái còn có một hệ thống lý thuyết Võ Đạo qua đó giúp cho môn sinh hun đúc lý tưởng sống và phục vụ cao cả. Nhưng ngoài ra một yếu tố không kém phần quan trọng là Vovinam thật may mắn có được những người lãnh đạo kiệt xuất như Võ sư Phùng Mạnh Chữ và Võ sư Trần huy Phong.
Xem lại tiểu sử của cố Võ sư Phùng Mạnh Chữ và Võ sư Trần Huy Phong thì chúng ta nhận ra hai thầy là bạn chí tình với nhau, cùng là giáo sư trung học, cùng mang một hoài bảo cao cả nhằm phục vụ xã hội. Ngoài khả năng ngoại giao tài ba, hai võ sư và cũng là hai nhà giáo trẻ, rất năng động; họ đã tận tụy hy sinh và dành trọn quảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để phục vụ môn phái và dân tộc. Võ sư Phùng Mạnh Chữ mà mọi người thường quen gọi là Võ sư Mạnh Hoàng, trước khi theo lời mời của võ Sư Trần huy Phong gia nhập Vovinam, thầy đã theo tập với môn phái Nhu Đạo (Judo). Sau khi tham gia môn phái Vovinam thầy Mạnh Hoàng đã dùng khả năng ngoại giao thiên phú của mình để giúp cho Vovinam tiến được những bước tiến rất xa, như việc đưa Vovinam vào học đường, quân đội, v.v. Có lẽ nhờ đó chương trình huấn luyện của môn phái mang nặng tính giáo dục, mang lại giá trị thực tiển mà chúng ta vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay. Ngoài ra thầy còn dùng tài ngoại giao để xây dựng cho Vovinam những cơ sở sinh hoạt rất tốt như võ đường Hoa Lư nằm kế bên sân vận động Hoa Lư, võ đường Petrus Ký nằm kế bên trung học Petrus Ký. Thật không may thầy Mạnh Hoàng mất quá sớm, năm thầy chưa quá 30 tuổi. Sự ra đi của thầy là một sự mất mát to lớn đối với môn phái. Gần đây có dịp nói chuyện với một Võ sư kỳ cựu tại Việt Nam, khi nhắc đến thầy Mạnh Hoàng ông có thuật lại rằng, ngày biết tin thầy Mạnh Hoàng mất, thầy Chưởng Môn vô cùng thương tiếc, vì ngoài trách nhiệm ngoại vụ thầy Mạnh Hoàng còn là một chiến lược gia tài ba của môn phái.
Tôi không được hân hạnh biết thầy khi còn sống nhưng hằng năm mỗi gần tết khi môn phái tổ chức đi viếng mộ cố Võ sư Sáng Tổ tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, sau khi thắp hương cho Võ sư Sáng Tổ, Võ sư Chưởng Môn cùng quý Võ sư đều đến thăm mộ và thắp hương cho thầy Mạnh Hoàng tại mộ phần chôn cùng nghĩa trang gần đó, để bày tỏ lòng kính nhớ đến những đóng góp, hy sinh lớn lao và quý báu của cố Võ sư Mạnh Hoàng.
Thầy Chưởng Môn luôn nhắc nhở rằng Võ sư Trần Huy Phong là một trong những vị có công bậc nhất trong việc xây dựng môn phái. Sau năm 1963 khi môn phái bắt đầu phục hoạt, nhờ vào khả năng giao tế khéo léo của thầy mà nhiều người bạn tài năng của thầy như Võ sư Mạnh Hoàng… đã đến cộng tác với môn phái Vovinam. Với con tim nhiệt thành, thầy cùng Võ sư Mạnh Hoàng và các Võ sư trẻ khác hoạt động không mệt mỏi để đưa Vovinam lên một tầm cao mới, quảng bá mạnh mẽ và rộng rải đi khắp nơi. Ngoài hoạt động môn phái thầy cũng là người luôn đi đầu trong những việc mang lại công ích xã hội như phát động chiến dịch ủy lạo nạn nhân thiên tai, cứu trợ Việt kiều Campuchia, tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương hằng năm… Nhờ đó uy tín của Vovinam đối với đồng bào dâng cao, và cùng lúc thầy đã dạy cho môn sinh tinh thần dấn thân vị tha đối với xã hội. Hiện nay có rất nhiều Võ sư Vovinam trong và ngoài nước đã từng được thụ huấn với thầy, và cá nhân tôi cũng may mắn được sinh họat với thầy nhiều năm. Ngày xưa khi những khóa thi hoàng đai trở lên Võ sư Chưởng Môn thường ngồi chấm môn vật còn thầy Phong thường ngồi bàn chấm thi đấu tự do. Lúc còn trẻ thường hăng máu, hăm hở chuyện hơn thua, tôi đã từng nghĩ thầy Phong không công bằng vì thầy thường cho môn sinh Hoa Lư giỏi đấu tự do với môn sinh võ đường Hùng Vương (Tổng cục Huấn Luyện) và thường thì Hoa Lư thắng thế vượt trội. Trong các cuộc thi lúc đó thì môn sinh Tổng Cục huấn Luyện không thua kém về kỷ thuật bài bản và vật, nhưng về phần giao đấu tự do thì môn sinh võ đường Hoa Lư thắng thế hơn xa. Về sau khi lớn lên tôi mới nghiệm ra điều này cũng dễ hiểu vì võ đường Hoa Lư rất rộng, có dụng cụ hổ trợ như bao cát, trụ đấm, tạ… rất đầy đủ, nên vấn đề tập giao đấu tự do rất thuận lợi trong khi Võ đường Hùng Vương thì chật hẹp, thiếu thốn. Biết bao năm tập luyện ở đó tôi không hề biết mặt cái bao cát là cái gì, về sau mua được cái bao đựng quấn áo lính bỏ mạt cưa vào tập mấy bữa cái bao đứt làm đôi, ngoại trừ mấy huynh đệ có khả năng tập thêm bao cát ở nhà thì khả năng giao đấu tự do tiến bộ rõ ràng. Từ sự kiện này, tôi mới nhận ra thầy Phong phấn đấu không ngừng để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để cho môn sinh phát huy khả năng của mình.
Những năm khi thầy Chưởng Môn lâm vào hoàn cảnh đặc biệt. không thể điều hành sinh hoạt, thầy Phong là người chăm sóc cho môn phái hết sức chu đáo. Làm việc với thầy mới nhận ra thầy là người luôn hết sức hết lòng, tận tụy hy sinh cho môn phái. Dù ở xa thầy vẫn luôn thăm hỏi, động viên và cố vấn cho công cuộc phát triễn môn phái. Tin thầy mất do Võ sư Trần Huy Quyền, bào đệ của thầy báo cho biết, khi ấy tất cả các võ đường Vovinam Úc châu đang cắm trại ở núi Mt Martha, ai ai cũng bàng hoàng xúc động. Cùng lúc đó tôi nhận được điện thoại của người bạn thân là anh Quốc Việt làm việc tại đài SBS ở Úc (anh ấy là người bạn rất thân của Võ sư Phùng Mạnh Tâm, em của Võ sư Phùng Mạnh Chữ, và cũng là bạn thân của Võ sư Trần Thiện Cơ, em của Võ sư Trần huy Phong), anh nói “Khôi nghe tin gì chưa? Phùng Mạnh Tâm ở Hoa Kỳ báo tin thầy Ba (thầy Phong) vừa mất; hôm nay nhà đang chuẩn bị giỗ cho thầy Mạnh Hoàng. Rất kỳ lạ thầy Ba mất cùng tháng cùng ngày với thầy Mạnh Hoàng.” Cuộc đời có những đều không được như ý, dẫu biết rằng sự ra đi của thầy là vĩnh viễn, nhưng lòng mình vẫn quặn đau xót xa, ước chi…
Nhân ngày giỗ của Võ sư Phùng Mạnh Chữ và Võ sư Trần Huy Phong, tôi xin được thay mặt cho Hội Đồng Võ sư Tương Trợ Hải Ngoại chân thành tưởng niệm công ơn vô cùng to lớn của quý thầy và xin nguyện noi guơng tận tụy hy sinh để tiếp tục xây dựng môn phái, phục vụ dân tộc và nhân loại.
Diệp Khôi