Vì thế, Vovinam cũng rất cần có những nổ lực nghiên cứu để tìm hiểu xác thực hơn về nhu cầu, sở thích của những người đến học võ với chúng ta hầu có thể đưa ra những chương trình, phương pháp huấn luyện thích hợp và tốt nhất cho môn sinh. Đây là một đề tài phức tạp vì đáp án không đơn thuần theo một phương thức mà phụ thuộc và tùy theo hoàn cảnh sống, môi trường xung quanh, yếu tố quốc gia, tuổi tác… Chỉ khi quan tâm theo dõi, lắng nghe và đón nhận phê bình từ môn sinh của mình một cách cởi mở, chúng ta mới có thể tiếp thu chính xác những gì mà môn sinh đang mong đợi.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ mong gom nhặt một số nhận xét về các nhu cầu khiến người ta tìm đến học võ Vovinam hầu chúng ta rút tỉa những bài học nhằm cải tiến và canh tân môn phái.
I. Lý do học võ
Có rất nhiều điều lôi cuốn người ta đến với lớp võ Vovinam. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, họ tìm đến với môn phái vì nhiều lý do khác nhau. Sau đây chúng tôi cố gắng đưa ra một số nhận định chung và phân tích dựa theo ba yếu tố căn bản:
- Nguồn gốc: người Việt hay người ngoại quốc
- Địa dư: sống trong nước hay ở hải ngoại
- Lứa tuổi: trẻ em hay người lớn
Trong mỗi nhóm thành phần sau đây, các nhu cầu học võ được sắp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Cũng những nhu cầu ấy có thể đảo ngược thứ tự tùy theo địa dư, trạc tuổi hay nguồn gốc.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tạm gạt bỏ những thành kiến để đi tìm câu trả lời.
- Trường hợp thứ nhất: Người Việt, Nước ngoài, Trẻ em
Bản chất trẻ em ở đâu cũng thế nhu cầu thể thao và sự vận động tay chân rất cần thiết cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Võ thuật nói chung là một thứ sinh hoạt đáp ứng nhu cầu này vì thế các bậc cha mẹ khuyến khích và đốc thúc con em mình tham gia các lớp võ trong lứa tuổi từ 6 đến 18 tuổi. Ở hải ngoại, yếu tố này có thể xem là lý do chính yếu đưa các em đến với các lớp võ.
Cũng như ở Việt Nam, các em đến võ đường một phần là vì ở đó có bạn bè cùng trang lứa. Thiếu niên cùng trang lứa tìm thấy trong nhau một sự đồng cảm. Yếu tố tâm lý chớm nở và thích năng động của tuổi thành niên cần được chú ý đến vì mức độ tiếp thu của các môn sinh nhỏ tuổi có liên hệ trực tiếp đến yếu tố này.
Học võ để tự vệ tuy là một nhu cầu hay được nhắc đến, nhưng ở hải ngoại điều này chỉ có tác động tâm lý hơn là tính thực dụng vì ở các nước tân tiến có luật pháp nghiêm minh nên nhu cầu tự vệ không còn được xem là những lý do chính. Ngay cả trong môi trường học đường, các em cũng được bảo vệ. Các trường hợp trẻ em bị ức hiếp bởi băng đảng thiếu niên vẫn diễn ra nhưng rất giới hạn. Thực ra, ở môi trường này, học võ có tác dụng tạo niềm tự tin cho các em và chính sự tự tin khiến các em không còn bị hiếp đáp. Ngoài ra niềm tự tin còn giúp các em suy nghĩ tích cực và thành công trong việc học vấn.
Trong lứa tuổi thiếu niên phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đốc thúc và khuyến khích con em mình. Khác với trong nước, ở hải ngoại, bảo tồn văn hóa Việt là một nhu cầu thiết thực và môi trường Vovinam đáp ứng đầy đủ, không những trong lãnh vực tiếp cận với văn hóa của cha ông mình, mà còn có khả năng ươm mầm một niềm tự hào về dân tộc và cội nguồn của các em.
So với các môn phái bạn, lệ phí của Vovinam thường chỉ có tính cách tượng trưng, khoảng 10-40% chi phí của các lớp Taekwondo hoặc Karate trong vùng. Các lớp mở tại chùa hay nhà thờ nhiều khi hoàn toàn miễn phí. Học phí thấp là một yếu tố phụ trong quyết định chọn lựa của phụ huynh.
Lý do theo học võ của nhóm: Người Việt, Nước ngoài, Trẻ em
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Có bạn bè
- Muốn có khả năng tự vệ
- Tăng sự tự tin (cha mẹ chi phối)
- Tự hào văn hóa võ học Việt Nam (cha mẹ chi phối)
- Khả năng nhận định chín chắn và tinh thần phục vụ được hấp thụ qua kiến thức võ đạo
- Học phí thấp (cha mẹ chi phối)
- Trường hợp thứ hai: Người Việt, Nước ngoài, Người lớn
Đối với những người ở tuổi trung niên và lão niên, họ tập võ chủ yếu để được khỏe mạnh và giảm căng thẳng tinh thần. Ở các xứ công nghiệp tây phương, công việc hằng ngày ở công sở và nhiều mối lo toan cuộc sống đè nén từ môi trường xung quanh khiến mức độ căng thẳng tinh thần thăng cao. Giảm căng thẳng là một nhu cầu “sống còn” vì vận tốc sinh hoạt trong đời sống ở các xứ công nghiệp di chuyển theo một chu kỳ chóng mặt ví như con thoi, gần như không bao giờ ngưng nghỉ.
Ngoài ra, nhu cầu tránh béo phì hoặc lên cân quá độ cũng là một lý do thích đáng để gia nhập lớp võ. Ở các nước phát triển, chi phí ăn uống so với đồng lương rất thấp. Vì thức ăn có chất dinh dưỡng dồi dào nên hiện tượng béo mập rất phổ biến. Khi lên cân quá mức kéo theo bao hệ lụy khác ảnh hưởng đến sức khỏe có thể trở nên nghiêm trọng khó lường.
Như đã trình bày ở trên, mức học phí lớp võ Vovinam thấp cũng là một sự thu hút tuy rằng điều này không phải là yếu tố quyết định vì có nhiều phụ huynh và cả con em của họ theo học ở các võ đường của võ phái khác và họ sẳn sàng chịu trả học phí trung bình từ 100-200 đôla mỗi tháng cho mỗi võ sinh.
Như đã bàn ở trên, trong một xã hội pháp trị, đả thương một người khác, bất luận đúng hay sai là một điều mà người ta cố tránh.
Trong khi đó, ở tuổi trung niên người ta đến với Vovinam còn là vì họ muốn “nuôi” niềm tự hào dân tộc. Niềm tự hào ấy không những cho riêng cá nhân, nhưng họ muốn qua môi trường võ đường Vovinam được thấy niềm tự hào ấy lây lan và triển nở trong con em của họ. Việc họ tham gia lớp võ bắt đầu bằng cách dẫn con đến ghi danh tập Vovinam và sau vài lần đưa đón, họ luôn tiện ghi danh tập chung với con mình vì những yếu tố và nhu cầu vừa bàn ở trên. Thực ra, thành phần trung niên này cảm nhận được giá trị thiết thực của việc học võ hơn cả con em của họ nên họ gắn bó với lớp võ và thành phần quản nhiệm lớp võ có khi còn “keo sơn” hơn cả các em.
Lý do theo học võ của nhóm: Người Việt, Nước ngoài, Người lớn
- Tự hào văn hóa võ học Việt Nam
- Muốn giảm căng thẳng cuộc sống (căng thẳng tinh thần)
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Thấy biểu diễn đẹp mắt, hữu hiệu
- Học phí thấp
- Muốn có khả năng tự vệ, tăng tự tin
- Cũng có nhiều người muốn có bạn hoặc vì tinh thần cộng đồng hoặc vì muốn làm gương cho con cái
- Trường hợp thứ ba: Người ngoại quốc, Nước ngoài, Trẻ em
Ở các nước Tây phương, phụ huynh đầu tư một ngân khoản và một quỹ thời gian khá lớn dành cho các sinh hoạt bổ ích cho con em của họ. Họ đầu tư vào cả các sinh hoạt giải trí và tiêu khiển lành mạnh hầu mong con em của họ tự trang bị những kỷ năng chuẩn bị cho một cuộc sống phong phú và cân đối. Thể thao và võ thuật là hai sinh hoạt rất thích hợp cho lứa tuổi thiếu niên. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong tất cả các quyết định chọn lựa sinh hoạt cho con em của họ trong trạc tuổi này.
Nhu cầu tự vệ như đã trình bày ở trên không còn là một trong những lý do chính thu hút các em đến các lớp võ. Tuy vậy sự rèn luyện võ thuật có tác động tâm-sinh-lý trực tiếp đến sự cảm nhận không gian xung quanh, khiến cho các em cảm thấy “yêu đời”, vui tươi và tự tin hơn. Giá trị tích cực này có thể nhận ra gián tiếp qua kết quả học vấn và cách các em giao tiếp với bạn bè, gia đình.
Các em ở tuổi tiểu học và trung học tiếp cận với khoa học rất sớm trong môi trường nhà trường, qua sách báo và các phương tiện truyền thông khác. Vì thế, đòn thế không chỉ “đánh đẹp” và còn phải “hữu lý”. Đòn thế cần được giải thích bằng vật lý khoa học chứ không chỉ “thầy nói sao, trò nghe vậy”. Những huấn luyện viên có khả năng diễn giải kiến thức võ học một cách khoa học dễ hiểu không những chiếm được cảm tình mà thắng cả niềm tin của môn sinh mình.
Lý do theo học võ của nhóm: Người ngoại quốc, Nước ngoài, Trẻ em
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Tăng sự tự tin, sống năng động
- Đòn thế hữu hiệu
- Có bạn bè
- Thấy biểu diễn đẹp mắt
- Muốn có khả năng tự vệ
- Khả năng nhận định chín chắn và tinh thần phục vụ được hấp thụ qua kiến thức võ đạo (đặc biệt của văn hóa Đông phương)
- Trường hợp thứ tư: Người ngoại quốc, Nước ngoài, Người lớn
Không khác lắm với lớn người trung niên ở Việt Nam, người ngoại quốc đặt nặng vấn đề sức khỏe lên trên các nhu cầu khác. Căng thẳng tinh thần là một điều thể hiện rõ nét ở mọi thành phần tại các nước công nghiệp. Võ thuật có tác dụng giảm căng thẳng tinh thần rất hữu hiệu, hơn cả trị liệu bằng y khoa vì võ thuật bảo đảm không gây ra các hiệu ứng phụ nguy hiểm.
Các lớp Thái Cực Quyền (taichi) tấp nập người trung niên và lão niên theo học. Quý cô, quý bà thích tập yoga để giữ eo và thân dáng thon gọn. Đây là một nhu cầu thực tế của một xã hội công nghiệp. Các bài Nhu Khí Công Quyền của Vovinam rất bổ ích và có khả năng bảo kiện phù hợp cho người lớn tuổi nhưng chưa thấy đưa vào ứng dụng trong chương trình huấn luyện một cách rộng rải.
Còn một lý do thực tế khác khiến người ta đi tập võ hoặc chơi thể thao ở trạc tuổi trung niên là sự lo lắng lên cân hoặc trở nên béo phì. Có thể nói đây làm một hội chứng của các nước tân tiến và công nghiệp. Số giờ lao động dùng sức lực và vận động bằng tay chân giảm đi nhiều trong “xã hội số” (digital age) ngày nay, trong khi dinh dưỡng trong thức ăn thì tràn trề. Thêm nữa những công việc lao động dùng súc lực đã được cơ khí hóa hầu hết. Vì thế nạn lên cân và béo phì là một thực tế đã được chứng minh qua nhiều thống kê. Tập võ thuật là một cách để giảm cân hữu hiệu vì lượng calories dư thừa trong cơ thể bị thiêu đi qua từng thao tác khi triển quyền hay ra đòn đấm, đá.
Các màn biểu diễn đẹp mắt của Vovinam luôn làm cho người xem thán phục. Người ngoại quốc ban đầu đến với Vovinam có thể vì những hình ảnh tấn công kẹp cổ độc đáo trong một cuộc biểu diễn nào đó. Tuy nhiên, sâu xa hơn họ đến với Vovinam còn vì những nét văn hóa có sức lôi cuốn mãnh liệt khác. Thử tưởng tượng các môn sinh từ một tỉnh lỵ xa xôi ở nước Bỉ, hay một thị trấn đảo Corse, hay còn xa hơn ở vùng tây phi như xứ Senegal, những nơi không có bóng dáng người Việt. Họ biết gì về Vovinam và điều gì đã lôi cuốn họ? Qua sách vở và báo chí, hai chữ Việt Nam gắn liền với chiến tranh và có thể đó là hình ảnh mà họ liên tưởng tới đầu tiên. Họ cũng nhận ra rằng môn phái Vovinam xuất phát từ vùng đất khốc liệt và đau thương này. Từ đổ nát sau bao cuộc chiến tranh, đất nước Việt Nam tồn tại và người dân Việt vươn lên với tinh thần bất khuất. Hình ảnh ấy và tinh thần hiếu hòa sẳn có của người Việt là một sự tương phản một hiện tượng tâm lý khó hiểu đối với người ngoại quốc nhưng lại hết sức lôi cuốn đối. Trong sinh hoạt Vovinam, những hình ảnh ấy dường như vẫn bàng bạc trong đòn thế và trong phong cách môn sinh Vovinam. Nói một cách khác, Vovinam chuyên chở giá trị văn hóa đến với người ngoại quốc qua võ học.
Lý do theo học võ của nhóm: Người ngoại quốc, Nước ngoài, Người lớn
- Muốn giảm căng thẳng cuộc sống (căng thẳng tinh thần)
- Muốn giảm cân, tránh béo phì
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Thấy biểu diễn đẹp mắt, hữu hiệu
- Đòn thế hữu hiệu
- Muốn có khả năng tự vệ, tăng sự tự tin
- Trường hợp thứ năm: Người Việt, Trong nước, Trẻ em
Ở Việt Nam, người ta theo học võ cũng gồm nhiều lý do, nhưng họ chọn Vovinam Việt Võ Đạo trước hết phải kể đến yếu tố dân tộc. Đứng giữa đất nước mình, Vovinam tính về thời gian từ buổi khai môn thì hãy còn quá non trẻ. Các môn phái xuất phát từ Trung Hoa đã có mặt tại Việt Nam từ bao giờ. Võ Nhật, võ Đại Hàn đã du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ. Ngày nay còn có đủ các môn phái với tên gọi còn lạ lẫm như Wushu, Pencat Silat… Các võ phái cổ truyền Việt Nam dù luôn song hành với vận mệnh đất nước thế nhưng chưa bao giờ hội tụ đúng nghĩa để tạo nên một sức đối trọng đáng kể so với các môn phái du nhập từ bên ngoài. Vovinam xuất hiện giữa lúc đất nước vươn dậy đòi độc lập tự chủ từ thực dân Pháp. Xuất phát từ tinh thần tự chủ-tự cường, phong độ đó đã gióng lên nên tiếng thét vực dậy và hồi sinh cả một tầng lớp thanh niên. Sau khi đất nước chia cắt vào năm 1954, Vovinam chỉ còn sinh hoạt tại các tỉnh nam phần Việt Nam. Từ khoảng giữa 1968 đến 1975 là một giai đoạn cực thịnh khi tổ chức môn phái Vovinam được củng cố và nền tảng lý thuyết đã khá hoàn chỉnh. Vận mệnh đất nước đổi thay sau khi hai miền đất nước thống nhất, môn phái lại lao đao theo thời cuộc cho đến giai đoạn phục hưng cuối thập niên 90. Vovinam chỉ thực sự trở lại các tỉnh miền bắc sau năm 2005. Ngày nay Vovinam lan rộng khắp đất nước từ Bắc chí Nam. Môn phái đã lấy lại phong độ và giữ một thế đứng rõ rệt trong làng võ dân tộc. Dù không cần thốt ra, người bàng quan cũng có thể nhận ra tinh thần dân tộc phảng phất qua lời nhạc, trong áng văn, trong cách ra đòn, và tinh thần thượng võ được thể hiện trong cả cung cách môn sinh Vovinam chào nhau. Đối với những người đi tìm môi trường học võ, tác động tinh thần này chắc chắn không nhỏ. Nói cách khác, yếu tố dân tộc ảnh hưởng không ít trong quyết định của phụ huynh Việt Nam ngày nay.
Ở trong nước khi người ta tìm đến một lớp võ thuật, không cứ gì Vovinam, ngoài những lý do kể trên, còn vì một yếu tố thực tế khác là để tự vệ. Dù ở tuổi thiếu niên, trung niên, hay lão niên, học và luyện võ để phòng hờ khi hữu sự phải dùng đến, vẫn còn là một một lý do xác đáng. Trong xã hội Việt Nam ngày nay nhu cầu bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình, gìn giữ tài sản, canh phòng làng xóm, biên cương… vẫn còn là nhu cầu gần gủi và thiết thực.
Lý do theo học võ của nhóm: Người Việt, Trong nước, Trẻ em
- Tự hào văn hóa võ học Việt Nam (cha mẹ chi phối)
- Muốn có khả năng tự vệ
- Thấy biểu diễn đẹp mắt, hữu hiệu
- Có bạn
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Trường hợp thứ sáu: Người Việt, Trong nước, Người lớn
Thành phần này tuy không lớn về số lượng nhưng phải kể là thành phần quan trọng hạng nhất vì nếu không có sự hưởng ứng và hổ trợ tinh thần của các bậc phụ huynh và người lớn thì các em môn sinh không có điều kiện đến lớp võ. Hơn nữa, yếu tố tự hào dân tộc đã góp phần lớn lao trong việc thúc đẩy và động viên các em kiên trì theo học Vovinam. Trong những giai đoạn phát triển, họ là thành phần hưởng ứng mạnh mẽ nhất.
Đáp ứng nhu cầu đời sống, nhóm người lớn này cũng bắt đầu cảm nhận sức ép của đời sống công nghiệp hóa, có nghĩa là phải chịu đựng căng thẳng tinh thần và nhu cầu bảo trì sức khỏe đã được xếp lên hạng ưu tiên trong cuộc sống.
Học võ để có khả năng tự vệ cũng có thể xem là một nhu cầu nhưng chỉ sắp ở thứ hạng so với những nhu cầu khác.
Lý do theo học võ của nhóm: Người Việt, Trong nước, Người lớn
- Thấy biểu diễn đẹp mắt, hữu hiệu
- Tự hào văn hóa võ học Việt Nam
- Thích thể thao, muốn được khỏe khoắn
- Muốn giảm căng thẳng cuộc sống (căng thẳng tinh thần)
- Muốn có khả năng tự vệ
II. Nhận xét và đề nghị
Ở phần trên, chúng ta đã lược qua từng thành phần và nhu cầu học võ Vovinam dựa trên các yếu tố địa dư, trạc tuổi, và nguồn gốc. Giờ đây chúng ta hãy cùng đưa ra một vài nhận định làm tiền đề cho những thảo luận sâu rộng hơn.
- Người Việt dù ở trong nước hay ở hải ngoại tinh thần tự hào dân tộc chi phối quyết định khi họ đưa con đi học võ. Yếu tố nguồn gốc thể hiện càng rõ nét trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Vovinam Việt Võ Đạo được xem là hiện thân của tinh thần hào hùng, bất khuất của dân tộc cần được phát huy và bảo tồn.
- Phụ huynh làm quyết định chọn lựa lớp võ cho con của họ và còn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hổ trợ sinh hoạt môn phái. Môn phái vẫn chưa tạo ra một vai trò xứng hợp cho giới phụ huynh của môn sinh, thành phần luôn âm thầm ủng hộ lý tưởng và hướng đi của môn phái.
- Môi trường võ đường, ngoài giờ tập luyện, việc kết bạn là một nhu cầu tâm lý cần được chú ý. Chương trình huấn luyện cần được soạn để đáp ứng tâm lý từng lứa tuổi. Hiểu và ứng dụng yếu tố tâm lý thanh thiếu niên trong môi trường học tập không những đã được chứng minh là cần thiết mà còn có tiềm năng thay đổi kết quả học tập.
- Nhu cầu học võ để tự vệ ở trong nước vẫn còn thiết thực. Trong khi nhu cầu ấy ở các nước tân tiến thì đã thuyên giảm hẳn. Tùy môi trường và hoàn cảnh, môn phái cần có những cải biến trong chương trình đào tạo cho thích ứng.
- Ngược lại, nhu cầu học võ để giữ gìn sức khỏe ở các nước tiên tiến lại rất thiết thực. Giảm căng thẳng tinh thần, tránh béo phì, tập thể dục thẫm mỹ đã trở nên những đòi hỏi trong cuộc sống. Vovinam có tiềm năng đáp ứng một số nhu cầu này. Tuy nhiên chế độ và phương pháp tập cần cải tiến cho xứng hợp.
- Lệ phí phải cân xứng với chất lượng giảng dạy và lợi ích mà lớp võ mang đến cho môn sinh. Thu lệ phí rẻ có thể là một sự thu hút ban đầu nhưng chưa chứng minh thuyết phục đó là nhu cầu tiên quyết trong quyết định chọn lựa lâu dài.
- Đối với môn sinh nước ngoài, họ đã nhận ra rõ ràng những giá trị tích cực gián tiếp của việc học võ, như tạo thêm niềm tự tin. Khi thân thể cường tráng ắt sẽ mang đến những nhận định sáng suốt. Những ích lợi này dù đã được nói đến trước đây, nếp suy nghĩ về những giá trị tích cực của việc học võ này ăn khớp với nhu cầu của môn sinh tại hải ngoại.
- Yếu tố “đánh đẹp” còn đòi hỏi tính thực dụng và hiệu quả. Khả năng diễn giải đòn thế bằng vật lý dựa trên cơ sở khoa học là một nhu cầu đối với môn sinh khắp nơi, đặc biệt ở hải ngoại.
- Bài bản của môn phái càng ngày càng phong phú, cần có một chương huấn luyện trình linh động hơn để đáp ứng với sở trường và sở thích của từng môn sinh. Có nhiều mô hình mà chúng ta có thể dùng làm mệnh đề nghiên cứu như Wushu, Hướng Đạo thế giới, v.v.
- Tư cách của người huấn luyện trong môi trường lớp võ là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở nước ngoài, các trẻ em lớn lên được dạy với sự tự do và dám thách đố quyền lực. Tinh thần bình đẳng trong tư tưởng được khuyến khích rộng rãi. Huấn luyện viên và võ sư không có khả năng thuyết phục hoặc không làm gương qua đức độ của mình thì họ sẽ chẳng khi nào giữ được học trò lâu được.
III. Lời Kết
Vì những nhận xét trên đây được viết từ kinh nghiệm giảng dạy tại nước ngoài của một vài cá nhân nên rất cần sự bổ túc của những võ sư, huấn luyện viên, và môn sinh có nhiều kinh nghiệm đang giảng dạy trong nước cũng như hải ngoại. Ý kiến đóng góp quý báu và thực tiển của quý võ sư và huấn luyện viên đang giảng dạy khắp nơi trên thế giới sẽ giúp cho những người có trách nhiệm soạn chương trình huấn luyện nhận ra những nhu cầu thiết thực của môn sinh.
Chúng tôi mong mỏi sự đáp ứng của quý vị khắp nơi ngỏ hầu chúng ta cùng cải tiến, canh tân và đưa môn phái lên một tầm cao mới.
Ban Nghiên Cứu Vovinam Việt Võ Đạo
|